Một số lý do khiến bạn mãi sẽ không tìm được việc
Vậy nên mình có một tip cho các bạn đang đi tìm việc là, đừng thấy việc nào hay ho cũng apply – vừa mất thời gian của bạn, vừa mất thời gian của nhà tuyển dụng. Hãy ngồi
Tìm việc đúng là khó và mất thời gian. Đặc biệt là với các em sinh viên mới ra trường mà chưa có nhiều kinh nghiệm, hay là với những em học một ngành nhưng lại muốn làm việc trong một ngành khác. Tuy nhiên khó không có nghĩa là không thể. Chỉ cần biết cách tìm đúng phương pháp, ‘gãi đúng chỗ ngứa’ thì chắc chắn bạn sẽ tìm được công việc phù hợp với bản thân – mình cam đoan điều đấy. Qua một thời gian vừa dạy trên lớp vừa tư vấn cá nhân cho các bạn đang đi tìm việc, mình thấy các bạn thường mắc phải một số lỗi dưới đây, giúp giảm tỉ lệ ‘thành công’ trong quá trình tìm việc của các bạn.
1. Bạn ‘âm thầm’, bí mật tìm việc
Có thể một số bạn ngại chia sẻ với bạn bè, với người thân mình về vấn đề tìm việc, vì sợ người ta cười, sợ người ta thấy việc hay cũng apply cùng thì mình sẽ mất cơ hội chăng? Nếu bạn vẫn đang âm thầm tìm việc lâu nay mà chưa hiệu quả, thì phải thay đổi cách thức tìm việc ngay đi thôi. Tìm việc cũng giống như một môn thể thao đồng đội vậy, mỗi người có một kĩ năng, lĩnh vực thế mạnh khác nhau, điều quan trọng là bạn phải biết tận dụng và xin giúp đỡ từ những người đó. Ví dụ, bạn bè chơi rất thân sẽ biết bạn có điểm mạnh và điểm yếu gì (mà có thể chính bạn không biết). Hay một đứa bạn nào đó đang làm trong công ty bạn yêu thích có thể giúp bạn xem qua CV xem đã dễ đọc chưa, hay chia sẻ với bạn về một số thông tin văn hoá công ty chẳng hạn.
Thế nên đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của người khác nhé. Viết xong CV, hãy gửi cho một người bạn xem xem có lỗi chính tả gì không? Mày thấy tao trình bày như thế này được chưa? Mày nhìn CV thử đoán xem tao đang định ứng tuyển vị trí gì?
2. Bạn chưa biết đủ kênh tuyển dụng
Thời buổi công nghệ, nên nhiều bạn trẻ sau khi ra trường chắc không lạ lẫm gì với các trang tuyển dụng có tiếng như Vietnamwork, Ybox, 8morning chẳng hạn. Các trang này là các trang có rất nhiều công việc hay, nhưng đừng chỉ phụ thuộc vào nó quá. Hãy mở rộng cách thức tìm kiếm công việc cho mình ra nhé. Ví dụ bạn có thể vào website của công ty bạn thích, ấn vào mục Tuyển dụng. Bạn đến những buổi ngày hội nghề nghiệp, Career Fair và mang theo CV đi. Hoặc có rất nhiều công ty nhờ chính nhân viên công ty họ tuyển người, sau đó chia % cho nhân viên đó (như ZALORA chẳng hạn). Vậy nên nếu bạn đang tìm việc, đừng ngần ngại hỏi bạn bè, các anh chị đồng nghiệp cũ, những người trong mối quan hệ của bạn để họ có thể giúp nhé. Và hãy lên LinkedIn để làm quen với nhiều headhunter giỏi, họ sẽ giúp bạn tìm một công việc phù hợp.
3. Bạn chỉ toàn thích ‘công ty to’
Cái này mình thấy đúng là thực trạng phổ biến luôn. Cũng có thể chính vì nó mà bảo sao sinh viên thì kêu không có việc tốt, trong khi công ty thì kêu không có người giỏi. Không nói đâu xa, hôm vừa rồi trung tâm mình nhờ mác UNESCO nghe rất oai mà chỉ tuyển vị trí Chăm sóc khách hàng lương bèo bọt cũng nhận tới 400 đơn. Trong khi đó chính mình đăng hộ tuyển vị trí chăm sóc khách hàng cho một phòng gym của anh bạn, công việc cũng giống nhau, lương cao hơn hẳn, thì chỉ lẹt đẹt có vài đơn thôi.
Các bạn ơi, mình không nói rằng các bạn không nên nhắm đến các công ty lớn. Nhưng nếu việc ứng tuyển không suôn sẻ, hãy mở rộng phạm vị tìm việc ra, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn đấy. Làm việc trong một FMCG có thể dạy cho bạn quy trình tốt, nhưng làm việc trong một start-up cũng có nhiều cái hay riêng của nó lắm đấy.
4. Bạn nhanh nản
Một số bạn sau khi tốt nghiệp, dành hẳn 1-2 tuần (vẫn ít) để gửi CV tùm lum đi khắp nơi, mãi mà không được công ty nào gọi nên thấy nản. Tự trách móc bản thân bảo chắc mình kém quá nên chả ai thèm gọi. Nếu chính bạn còn không tin tưởng vào bản thân mình, thì ai còn dám tin tưởng giao công việc cho bạn làm đây?
Vậy nên nếu bạn vừa nghỉ việc cũ hay vừa ra trường, đã tìm việc hơn 1 tháng mà chưa được thì cũng đừng vội nản nhé. Thay vào đó, hãy tìm những người giỏi hơn, các anh chị tư vấn hướng nghiệp, đọc các bài viết về tìm việc, hướng nghiệp để xem xem CV của mình đang có vấn đề ở đâu, cách tìm việc của mình đúng chưa, mình đi phỏng vấn có nói gì sai không (hay có khi mình nộp vào toàn những nơi không phù hợp chẳng hạn).
5. Bạn chưa biết tận dụng thế mạnh của mình
Mình từng biết một bạn rất năng động, thích công việc giao tiếp, thích lập kế hoạch các thứ nhưng cứ nhất quyết phải ứng tuyển vị trí kế toán – vì bạn bảo em tốt nghiệp ngành kế toán. Ứng tuyển vào một công việc không phải thế mạnh của bạn hoặc bạn không hề thích nó tí nào là đã làm giảm đi rất nhiều khả năng trúng tuyển của bạn rồi. Nếu có may mắn lọt qua vòng CV, đến khi phỏng vấn khả năng bạn bị fail cũng cao lắm.
Vậy nên mình có một tip cho các bạn đang đi tìm việc là, đừng thấy việc nào hay ho cũng apply – vừa mất thời gian của bạn, vừa mất thời gian của nhà tuyển dụng. Hãy ngồi ngẫm xem mình có kĩ năng thế mạnh gì, mình có kiến thức ở lĩnh vực gì, mình thích làm gì vào lúc rảnh rỗi, từ đó rút ra được một vài vị trí mà bạn yêu thích. Sau đó lên các trang tìm việc search thử, đọc kĩ nội dung công việc trước khi ứng tuyển nhé.
Leave a Reply