Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn sau 1 lần thất bại
Nói những gì bạn thực sự nghĩ, đừng quá bận tâm vào phản ứng của người phỏng vấn và bị lung lạc ý kiến
Mình nghĩ mình sắp tạo ra được cả series các bài viết về kỉ niệm, kinh nghiệm phỏng vấn của mình. Đậu có, rớt có… mà thường kỉ niệm nhiều lại ở những lần rớt. Nên nếu nhìn từ khía cạnh tích cực, việc rớt một cái gì đó lại khiến mình có nhiều kỉ niệm và nhiều sự soi chiếu bản thân hơn những lần đậu. Dù chả ai mong thế, có phải không nhì T…T
Chuyện là mình mới “trượt vỏ chuối” ở một digital agency cũng có tiếng ở TP.HCM, mà thực ra phải nói là bản thân mình đặt rất nhiều kì vọng và hi vọng vào phi vụ này (cả những lí do khách quan lẫn chủ quan). Sau đây mình sẽ phân tích mổ xẻ các chuyện nhỏ nhặt diễn ra trong buổi phỏng vấn để làm ví dụ cho các bạn, biết đâu những kinh nghiệm phỏng vấn ở lần đó sẽ giúp gì được cho những bạn chuẩn bị có dự định đi phỏng vấn tại một nơi tương tự như mình.
1 – Đúng giờ là tốt, đúng giờ quá chưa chắc tốt
Chắc hẳn nhiều bạn đã từng đi phỏng vấn luôn “khắc cốt ghi tâm” những thứ như là nên/phải tới trước giờ phỏng vấn ít nhất 15 phút. Việc đến sớm như vậy để thể hiện chủ yếu 3 điều:
Bạn rất trân trọng cơ hội này và dành sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc phỏng vấn
Đề phòng rủi ro bất trắc (kẹt xe, chỗ phỏng vấn khó tìm, xe hết xăng??? v.v.)
Chuẩn bị tâm lí thật tốt (không thể hớt hơ hớt hải đến xong phỏng vấn ngay, vẫn cần thời gian vào nhà vệ sinh để “tút lại vẻ đẹp trai” hay bôi tí son cho đỡ nhợt nhạt, phải không nhỉ?)
Các bạn có thể có thêm một số lí do cho việc nên đến sớm trước giờ phỏng vấn khác, nhưng trên đây là những lí do cơ bản mình cho là ai cũng nhìn thấy. Quay trở lại buổi phỏng vấn của mình ngày hôm đó, do mình chưa rõ đường tới nơi phỏng vấn, lại sợ giờ phỏng vấn dễ kẹt xe (17h), cộng với việc tính mình vốn đã rất cẩn trọng và chỉn chu, mình tới nơi phỏng vấn sớm 25 phút. Mình dành 2 phút để vào restroom tô tí son, chỉnh lại trang phục. Và mình bước vào công ty phỏng vẩn trước 20 phút so với giờ hẹn. Do team mình phỏng vấn đang có cuộc họp đột xuất, mình phải ngồi đợi thêm 15 phút ngoài dự kiến. Vậy là tổng cộng mình ngồi đợi phỏng vấn 35 phút.
Cảm giác ư? Tất nhiên là bạn đang đi phỏng vấn để lấy một cơ hội công việc, bạn không thể cảm thấy bực tức, khó chịu hay phiền lòng được. Nhưng việc ngồi quá lâu như vậy sẽ dễ khiến bạn bị mất tập trung. Cứ thử tưởng tượng xem một dũng sĩ đang hừng hực khí thế được sung trận thì trọng tài tuyên bố trận đấu sẽ lùi giờ đấu hơn 30 phút. Trong 30 phút ngồi chờ đó hẳn anh ta sẽ oải phần nào và tâm lí bị chủ quan. Bên cạnh đó, mình cũng quên mất mình đang đi phỏng vấn xin việc ở một digital agency, job mà mình ứng tuyển thiên về creative… và bạn biết khoản “quá đúng giờ” của những người thuộc giới này là như thế nào rồi đó. Tự mình đã đưa mình vào diện “tình nghi”…. về việc mình có phù hợp với những người trong team đó không, chỉ vì mình quá chỉn chu như vậy??? Chính người phỏng vấn mình hôm đó đã phải thốt lên rằng: “Anh hiếm gặp ứng viên nào muốn vào team anh mà đúng giờ như em?”…
Ôi. Vậy là “điểm cộng” mà bạn tưởng là như vậy, hình như lại trở thành “điểm trừ”. Mong rằng với kinh nghiệm phỏng vấn này, các bạn sẽ điều chỉnh lại thời gian tới dự phỏng vấn một cách hợp lý hơn, nhất là đối với mấy công ty kiểu như trên.
2 – Trang phục bạn mặc quá nghiêm túc?
Phần lớn chúng ta đều nghĩ đến việc lựa chọn một trang phục lịch sự, gọn gàng cho một cuộc phỏng vấn nhưng lại quên mất yếu tố phù hợp của trang phục. Buổi hôm đó mình đi phỏng vấn sau khi tan làm về, nên vẫn mặc trang phục đi làm hàng ngày. Phong cách ăn mặc của mình chủ yếu là những trang phục với màu sắc tươi sáng, thanh lịch và đơn giản, không cầu kì về họa tiết. Mình không phải là người có gu ăn mặc cá tính hay độc đáo. Mình lựa chọn trang phục để tôn lên sự trẻ trung cũng như tạo ấn tượng về sự nhanh nhẹn của bản thân.
Tuy nhiên… vâng lại một lần nữa, ngày hôm đó mình đã sai lầm khi mặc một chiếc chân váy phối cùng áo sơ mi kẻ màu be. Cộng thêm với việc “quá đúng giờ”, trông mình thực sự “thanh niên nghiêm túc”, rất phù hợp với vóc dáng của các cô gái làm văn phòng, nhưng có lẽ sẽ khiến nhà tuyển dụng thời điểm đó đặt câu hỏi về tính phù hợp của mình với môi trường sáng tạo, năng động của họ.
Âu kê. Mình đã sai ngay từ bước này nữa. Bước mà một người chỉn chu như mình chưa bao giờ bỏ qua trong các cuộc phỏng vấn. Nhưng lần này, có lẽ mình đã lựa chọn nhầm.
Và bạn biết đó, không có nghĩa rằng để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, bạn phải là một ai đó khác mình hoàn toàn… Nếu bình thường bạn không mặc sành điệu, bạn không nhất thiết phải mua bằng được một bộ đồ sành điệu. Nếu bình thường bạn đơn giản, bạn không nhất thiết phải cầu kì quá đáng. Tuy vậy trong những trường hợp như thế này, khi bạn thực sự muốn nhà tuyển dụng nhìn thấy cái phần rất cá tính đang lẩn khuất trong bạn (mà họ cứ hay đánh giá đâu đó qua vẻ bề ngoài), hãy chọn lấy cho mình một trang phục phù hợp và có màu sắc hơn; một bộ đồ làm bạn trông tự do thoải mái và đầy sức sống. Mình không muốn hai trường hợp “không tưởng” trên thành kinh nghiệm phỏng vấn của mình thêm một lần nào nữa
3 – Kinh nghiệm phỏng vấn mấu chốt: hãy vững tâm lí
Cái đoạn này nghe có vẻ hơi bao biện một xí. Nhưng khoản tâm lí là phần hơi cảm tính của mỗi người. Cơ hội phỏng vấn thì lại đến vào lúc bạn không ngờ nhất. Đâu có nhà tuyển dụng nào gọi điện cho bạn và hỏi: “Em ơi giờ em có đang buồn/ốm/mệt hay làm sao không để anh hẹn em phỏng vấn?”. Rõ ràng là không có.
Vậy nên tâm lí là thứ bạn phải luôn chuẩn bị cho mình thật vững vàng và tự tin. Nghĩa là dù cuộc phỏng vấn đó xảy ra trong những lúc tâm trí bạn hoàn toàn không sẵn sàng, bạn vẫn có thể là chính mình, thể hiện bản thân một cách tốt nhất.
Quay trở lại chuyện của mình, nhắc đến đây mình lại căm ghét người yêu mình bội phần vì tuần đó bọn mình cãi nhau to… và mình đang có phần uể oải, mất tập trung. Thêm nữa Sài Gòn đang vào đợt chuyển mùa, nên mình đã bị cảm từ một tuần trước đó và chưa khỏi. Đi phỏng vấn mà giọng cũng ngàn ngạt là thấy mất thiện cảm phần nào rồi. Nhưng vụ cảm này làm sao đây @@ có những thứ bạn không tài nào lường trước được khi nó chưa xảy ra…
Dù đổ tại cho người yêu và thời tiết Sài Gòn thế thôi, nhưng lỗi chính vẫn tại mình chuẩn bị tâm lí không tốt. Ngày hôm đó, mình thực sự không cá tính… không cá tính một chút nào. Mọi quan điểm hay phản hồi mình đưa ra trước nhà tuyển dụng thực sự khá rụt rè, thiếu quyết đoán… điều mà mình hiếm khi thể hiện trong các cuộc phỏng vấn. Chính mình cũng tự hỏi mình đang bị làm sao trong cuộc phỏng vấn đó kia mà?
Ngày hôm đó chính người phỏng vấn mình đã phản hồi sau khi test mình một số kiến thức và kĩ năng rằng họ cảm thấy không lo ngại quá về năng lực của mình, mà đang suy nghĩ về việc mình có phù hợp với môi trường hay không??? Thời điểm ấy, mình đã cảm thấy cơ hội của mình bị thu hẹp lại rất nhiều (tỉ lệ thành công chỉ còn một nửa).
Và đúng như linh cảm, mình “trượt vỏ chuối”. Đúng như vậy, phần lớn các nhà tuyển dụng có thể không lựa chọn một người vì họ giỏi nhất, nhưng họ phải thể hiện được mình phù hợp nhất. Bạn càng hi vọng và thích thú điều gì, bạn càng thất vọng và buồn chán hơn khi không đạt được. Nhưng thay vì buồn chán mãi, mình đang tìm kiếm những cơ hội khác và viết cái note này, mong rằng có thể chia sẻ được phần nào với các bạn những thứ chưa phù hợp mình đã mắc phải trong một cuộc phỏng vấn gần đây nhất.
Và túm lại bạn nên nhớ 3 điều cơ bản trước mọi cuộc phỏng vấn (đặc biệt khi phỏng vấn môi trường creative agency):
Tút lại vẻ ngoài trẻ trung, năng động, cá tính.
Đừng đến quá sớm so với giờ hẹn
Nói những gì bạn thực sự nghĩ, đừng quá bận tâm vào phản ứng của người phỏng vấn và bị lung lạc ý kiến
À và còn một điều cuối cùng, kệ xác đứa người yêu nếu nó với bạn đang giận/dỗi/cãi nhau… nó mà yêu bạn thật lòng thì nó vẫn ở đó chưa đi đâu ngay được (thậm chí còn phải đuổi theo bạn để xin xỏ tha thứ), chỉ có cơ hội làm việc này thì có thể sẽ không quay trở lại với bạn nữa, hoặc là phải rất lâu sau mới quay lại.
Thực tình thì đi làm cũng là một cái duyên. Nên mình hẹn một cái duyên khác! Mong rằng những kinh nghiệm phỏng vấn trên sẽ có ích với các bạn phần nào.
Leave a Reply