Những lỗi khi đi xin việc dù có chuẩn bị kỹ bạn vẫn bị mắc phải
Đương nhiên đi phỏng vấn thì mình phải thể hiện ra là mình yêu quý công ty đó rồi, cái này chắc chắn không thể bỏ được. Tuy nhiên kinh nghiệm cá nhân của mình là đừng quá đà
Sáng sớm tinh mở ngủ dậy và bạn nhận được một tin vui, xin chúc mừng bạn đã vượt qua vòng đơn và được mời tới buổi phỏng vấn xin việc. Cờ đến tay rồi phải phất thôi. Bạn ngay lập tức bật dậy khỏi giường, lên mạng search những câu hỏi thường gặp, tìm hiểu thông tin về công ty, hỏi anh chị em bạn bè về kinh nghiệm khi đi phỏng vấn, vân vân và mây mây. Chúng ta thường cố gắng tập trung chuẩn bị xem chúng ta cần nói cái gì, chúng ta cần trả lời như thế nào mà quên mất một vấn đề rất quan trọng, những gì chúng ta không nên làm hoặc mắc phải khi đi phỏng vấn. Có những thứ rất nhỏ mà mình liệt kê ở dưới đây, có khi bạn không để ý đâu nhưng cũng có khả năng gặp phải đấy.
1. Bạn chẳng biết tại sao bạn lại ở đây
Lý do vì sao không biết ý hả? Đó là vì trong cơ hoảng loạn cần tìm gấp một công việc, bạn đã gửi đơn cho một đống công ty khác nhau, và rồi đến lúc được gọi bạn chả biết là công ty nào vừa mời mình đi phỏng vấn (giống mình gớm hihi). Thời bây giờ khác với thời ông bà bố mẹ mình rồi, nhờ có sự thần thành của Internet mà chúng ta xin việc dễ hơn bao giờ hết. Cứ ngồi lướt lướt Facebook mấy trang tìm việc rồi thấy cái nào hay là click apply ngay. Vì rải đơn nhiều công việc như thế, chỉ cốt mong có được một công việc để đi làm mà không hề đoái hoài tới mục đích cũng như văn hoá của công ty đó, nên khi phỏng vấn bạn chả hề biết tại sao mình lại đang ngồi ở đây.
Thế nên là, bên cạnh việc tìm hiểu về công ty, bạn nên dành thêm thời gian làm một bước nữa, đó là tìm hiểu về bản thân mình. Vị trí này có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn không? Khi làm việc ở đây thì bạn được dùng kĩ năng gì, kĩ năng đó có phải là kĩ năng bạn thích dùng mỗi ngày không? Những kinh nghiệm trước đây của bạn có liên quan như thế nào tới công việc này? Ngoài vấn đề kiếm tiền, vì sao công việc này lại quan trọng với bạn? Trả lời được hết những câu hỏi này, bạn sẽ hiểu rõ hơn tại sao mình lại đang ngồi phỏng vấn ở đây, và cũng có thể giúp bạn trả lời một số câu hỏi khi đi phỏng vấn như “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”, “Bạn có gì khác với những ứng viên khác?”.
2. Bạn chả được nhiệt tình cho lắm
Nhờ đặc thù công việc mà mình cũng có điều kiện được phỏng vấn khoảng gần 500 bạn rồi, cho các vị trí khác nhau và hơn một nửa trong số đó là các bạn sinh viên hoặc mới ra trường. Gần đây nhất mình có phỏng vấn vị trí thực tập cho 8morning.com, một dự án về hướng nghiệp do mình làm founder. Khi phỏng vấn các bạn cho vị trí này, mình nói thật là khá thất vọng với một vài ứng viên chỉ ngay sau 5 phút nói chuyện. Vì sao thế? Không phải là kĩ năng, kinh nghiệm không phù hợp, thậm chí bạn ý còn giỏi hơn nhiều ứng viên khác đó, nhưng mình không thấy được sự nhiệt tình của bạn ấy trong công việc này, thể hiện qua cách trả lời phỏng vấn. Bạn ấy tạo cảm giác đi phỏng vấn cho có, được thì được không được thì thôi, chẳng có sao cả.
Mình nghĩ đây cũng là một điều mà rất rất nhiều bạn mắc phải khi đi phỏng vấn. Tóm gọn lại là các bạn không thể hiện được với nhà tuyển dụng là các bạn thật sự nhiệt tình và thật sự quan tâm đến công việc này. Sự nhiệt tình của bạn thể hiện một cách đơn giản lắm, đó là qua việc bạn hiểu kĩ về vision, mission của công ty và nó liên quan như thế nào đến câu chuyện cá nhân của bạn. Ví dụ mình phỏng vấn nhiều bạn vào làm cho 8morning.com, nhưng khi hỏi đến thậm chí có bạn còn chưa vào website của mình bao giờ, vậy thì các bạn mong đợi gì khi tham gia phỏng vấn? Kể cả các bạn có bận đến mấy, thì nếu bạn thực sự yêu thích công việc đó, chắc chắn bạn cũng sẽ dành chút thời gian để tìm hiểu, phải không nào? Hãy cứ tưởng tượng một người làm HR mỗi ngày họ phải gặp gỡ phỏng vấn với 10-20 bạn, vậy thì ai sẽ người gây ấn tượng nhất? Chẳng phải là người vừa giỏi vừa nhiệt tình hay sao.
3. Bạn toàn nói những điều tiêu cực
Ok, vấn đề là thế này: cho dù trước khi đi phỏng vấn bạn gặp vấn đề khó chịu, sếp cũ của bạn như dồ, đồng nghiệp thì như dở hơi, công ty cũ chả có gì hay ho và một đống vấn đề chíu khọ khác, hãy giữ riêng nó cho bạn. Đừng mang những vấn đề đó ra bàn luận khi đi phỏng vấn, đừng bao giờ nói bất kì thông tin tiêu cực gì về công ty cũ với công ty bạn đang phỏng vấn. Nói xấu sếp chẳng hạn? Thử đặt bản thân bạn vào tình huống của người phỏng vấn xem, bạn sẽ nghĩ gì. “Bây giờ nó nói xấu sếp nó được, thế thì chả có gì lạ nếu vài hôm nữa nó lại nói xấu mình”. Trời ạ!
Khi gặp những câu hỏi như thế, kiểu ví dụ là “Tại sao bạn rời bỏ công ty cũ?”, hãy thành thật, nhưng có chiến lược, không phải thành thật kiểu chân chất. Ví dụ nếu bạn thấy bạn đang tìm kiếm công việc mới vì bạn không hợp với môi trường làm việc ở công ty cũ, vậy hãy tìm ra một lý do thật là hay, một điểm gì đó cực kì hay ở môi trường làm việc công ty mới mà bạn thích. Sau đó nói kĩ hơn về môi trường mới đó, hạn chế nói về chỗ cũ thôi nhé.
4. Sao bạn không nhìn tôi?
Cái này nghe tưởng chừng rất đơn giản, giao tiếp thì đương nhiên thì phải nhìn nhau rồi? Không nhìn nhau thì còn gì là giao tiếp nữa. Thế mà vẫn có rất nhiều bạn không dám nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn. Có thể không phải vì bạn không biết điều này, mà là vì bạn ý không được tự tin và hơi sợ chăng?
Cái này tuy là một kĩ năng đơn giản thôi, nhưng cũng cần phải tập luyện nhiều đấy. Lôi bạn bè ra tập luyện, tập nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Nhìn một cách khoa học nhé, không phải lúc nào cũng chừng chừng nhìn họ đâu. Một tip rất đơn giản mà mình hay sử dụng, đó là nếu bạn sợ nhìn vào ánh mắt băng giá của nhà tuyển dụng quá, thì hãy nhìn vào phần giữa 2 lông mày của họ, như vậy cũng tạo cảm giác là bạn đang nhìn họ đó, mà mình thì đỡ sợ hơn.
5. Anh/chị ơi em yêu quý công ty mình lắm, làm ơn cho em vào làm với!
Đương nhiên đi phỏng vấn thì mình phải thể hiện ra là mình yêu quý công ty đó rồi, cái này chắc chắn không thể bỏ được. Tuy nhiên kinh nghiệm cá nhân của mình là đừng quá đà. Bạn có thể tìm hiểu kĩ về công ty, đọc một số bài về công ty đó, nhưng đừng lúc nào cũng khen công ty tốt, công ty đẹp, công ty hoàn hảo chả có điểm gì cần cải thiện. Hoàn hảo thế rồi thì chúng tôi cần tuyển bạn làm gì? Chúng tôi rất hoan nghênh nếu bạn vừa hiểu được công ty, lại vừa hiểu được những khó khăn mà công ty đang gặp và càng tốt hơn nữa nếu bạn là ứng viên phù hợp có thể đóng góp để giải quyết những khó khăn đó.
Hết rồi bạn hiền ạ. Nếu bạn chuẩn bị phỏng vấn kĩ đến mấy, kiến thức kinh nghiệm siêu đến mấy mà mắc phải các lỗi ở trên, thì bạn đang giết chết cuộc phỏng vấn của mình đó. Đó cũng có thể là lý do vì sao fail phỏng vấn mà chả biết tại sao mình lại fail. Vậy nên hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm chút kinh nghiệm để chuẩn bị kĩ hơn cho phỏng vấn nhé.
Leave a Reply